(Tạp chí LĐ&CĐ) Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 27/11 vừa qua. Bên cạnh những ý kiến của đại biểu Quốc hội, cán bộ công đoàn, phóng viên (PV) Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những câu chuyện xoay quanh quá trình xây dựng dự thảo và sự chuẩn bị cho việc đưa luật vào cuộc sống.
Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
PV: Là người dành nhiều tâm huyết và trực tiếp tham gia xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) từ những ngày đầu, cảm xúc của ông thế nào khi Quốc hội chính thức bấm nút thông qua dự luật? Bên cạnh đó, có câu chuyện nào mà đến nay những người làm luật chưa từng chia sẻ?
Ông Lê Đình Quảng: Không chỉ tôi, mà tất cả các đồng nghiệp, cộng sự đều vô cùng phấn khởi, vui mừng khi Luật Công đoàn (sửa đổi) chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Sở dĩ nói như vậy, vì đặt trong bối cảnh Luật Công đoàn là luật khó, khi điều chỉnh một tổ chức chính trị – xã hội rất đặc thù. Bên cạnh đó, vẫn phải làm sao để tổ chức Công đoàn hoạt động tốt chức năng “bẩm sinh” là chăm lo, đại diện và bảo vệ đoàn viên, người lao động (NLĐ). Việc phải đồng thời giải quyết cả hai mối quan hệ đó không hề dễ dàng.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng gặp nhiều khó khăn. Từ phần kinh phí công đoàn đến vấn đề quyền giám sát, phản biện của tổ chức Công đoàn, cũng như những vấn đề bảo vệ cán bộ công đoàn, đều có những ý kiến trái chiều, nhiều vấn đề mới phải xử lý, thậm chí là cả những vấn đề nhạy cảm, buộc phải có sự dày công nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chẳng hạn, để đảm bảo sự đồng bộ, chúng tôi phải rà soát Hiến pháp, đối chiếu, so sánh với 22 đạo luật liên quan, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Hồ sơ, tài liệu rất nhiều, không tránh khỏi những tranh cãi, bàn luận. Chúng tôi cũng tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, lấy ý kiến. Trong quá trình thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng phải cùng tham gia tích cực. Sự đặc biệt của Luật Công đoàn (sửa đổi) có thể cảm nhận rõ hơn qua lời một cán bộ ở Văn phòng Chính phủ rằng: “Chưa có đạo luật nào mà Chính phủ phải 6 lần cho ý kiến như Luật Công đoàn (sửa đổi)”.
Chính vì vậy, thành quả có được là sự nỗ lực của cả một tập thể, niềm vui cũng là niềm vui của toàn ngành, chứ không chỉ của riêng tôi.
Và mừng hơn khi thông tin chính thức được công bố, bên cạnh cán bộ công đoàn thì có một công nhân ở Thanh Hóa đã trực tiếp nhắn tin bày tỏ và chia sẻ niềm vui với tôi. Dòng tin rất giản dị, nhưng lại khiến tôi vô cùng xúc động. Từ đó để có thấy, không chỉ cán bộ công đoàn, mà chính NLĐ cũng đặc biệt quan tâm đến Luật Công đoàn. Đây cũng là nguồn động viên rất lớn cho những người trực tiếp tham gia xây dựng và hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi).
Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao. |
PV: Được biết, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những vấn đề sẽ được “gỡ” khó khi Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025?
Ông Lê Đình Quảng: Có thể thấy, với Luật Công đoàn 2012, một số quyền của tổ chức Công đoàn có nhiều điểm chưa thực sự tương xứng. Trong khi NLĐ rất kỳ vọng vào Công đoàn, nhưng pháp luật chưa tạo ra được cơ chế chủ động để tổ chức phát huy vai trò.
Chẳng hạn, lâu nay Công đoàn chỉ được tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng chỉ dừng lại ở mức phối hợp, kiến nghị, đôi khi chưa thể trực tiếp phản biện, bảo vệ NLĐ kịp thời. Hay như việc có quy định nhưng chưa rõ ràng, nên cán bộ Công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa được bảo vệ tốt nhất, khi hoạt động dễ bị phân biệt đối xử, nên họ chưa dám làm hết mình, trong khi kỳ vọng, đòi hỏi của NLĐ vào cán bộ công đoàn rất lớn.
Bên cạnh đó, nhìn từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là thời kỳ trong và sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản, kéo theo hệ lụy về chế độ phúc lợi cho NLĐ, thực hiện nghĩa vụ kinh phí công đoàn không được đảm bảo.
Từ đó, những điểm mới trong Luật Công đoàn (sửa đổi) từ việc bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn với một số đối tượng, sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn đó.
Việc kịp thời hỗ trợ chăm lo quyền lợi NLĐ ở những đơn vị gặp khó, cũng là hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó tạo ra sự đồng thuận, gắn kết giữa NLĐ, người sử dụng lao động với tổ chức Công đoàn, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng, Luật mới chỉ giải quyết được phần nào những khó khăn và còn mang tính “văn bản”. Việc thực thi còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của cả hệ thống và các cán bộ công đoàn.
PV: Nếu như vậy thì chắc chắn quá trình áp dụng Luật Công đoàn (sửa đổi) vào thực tiễn đời sống sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ với những cán bộ Công đoàn phải không, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Nhưng đến Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ giao cho Công đoàn sự chủ động mạnh mẽ, tạo ra quyền và trách nhiệm nặng nề hơn, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Cùng với đó là đảm bảo và tăng cường quyền của tổ chức Công đoàn.
Chính vì như vậy, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải hoạt động có hiệu quả hơn, linh hoạt, năng động và trách nhiệm hơn, chuyển mình, đổi mới. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch, rõ ràng ở tất cả các lĩnh vực, trong bối cảnh luật “đòi hỏi” mình cao hơn.
Chẳng hạn, mở rộng quyền gia nhập công đoàn cho cả NLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động và NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, rõ ràng Công đoàn sẽ gặp không ít rào cản như: Ngôn ngữ, văn hóa, cần phải chuẩn bị, để tránh hệ lụy không đáng có, nhất là những tác động đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo lấy ý kiến. Trong ảnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn. Ảnh: Trần Yến |
Như vậy, khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực, kéo theo khối lượng công việc cần giải quyết nhiều hơn, trong khi nguồn lực còn hạn chế, thì phải nỗ lực hơn và phải đổi mới mạnh mẽ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Luật lần này giao cho tổ chức Công đoàn.
PV: Đứng trước những thách thức đó, ông có lời khuyên hay gợi ý nào tới những cán bộ công đoàn, những người tới đây sẽ trực tiếp hưởng và thực thi những điểm mới từ Luật Công đoàn (sửa đổi)?
Ông Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn (sửa đổi) cơ bản vẫn tiếp tục những quy định của Luật Công đoàn 2012. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, còn nhiều quyền của tổ chức Công đoàn được quy định từ trước đến nay, nhưng cán bộ công đoàn vẫn chưa nhận thức được hết.
Chẳng hạn như tại khoản 2, Điều 24 Luật Công đoàn 2012 quy định về Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cho phép: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm”. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy nhiều cán bộ công đoàn vẫn chưa tận dụng hết quỹ thời gian này, chưa dám đấu tranh để thực hiện quyền của mình.
Do đó, có một số nội dung tôi muốn gợi ý cho cán bộ công đoàn trong việc tận dụng tối đa quyền lợi của mình:
Thứ nhất, cần nhận thức rõ trách nhiệm, nắm bắt và thực hiện đúng những điều, nội dung mà luật đã quy định và giao phó, để hoạt động được tốt hơn.
Thứ hai, chủ động, linh hoạt trong phối hợp, hợp tác với người sử dụng lao động, nhưng phải đảm bảo tính độc lập của tổ chức và thượng tôn pháp luật. Tôi cho rằng đây là nguyên tắc cần được thực hiện, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Thứ ba, tăng cường giáo dục cho cán bộ công đoàn tính chủ động thương lượng, để có điều kiện hoạt động tốt hơn, không chỉ quyền của NLĐ, mà ngay của chính của các cán bộ công đoàn.
Tôi cho rằng Luật Công đoàn 2012 là luật của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Còn lần này, thông điệp sẽ là Luật Công đoàn của thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế và là Luật Công đoàn của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Luật đã thể hiện được tinh thần đó cho tổ chức Công đoàn, cán bộ Công đoàn và NLĐ. Để triển khai có hiệu quả, thì tổ chức công đoàn, trong đó vai trò của cán bộ của công đoàn là hết sức quan trọng trong tiếp nhận, thực thi và để Luật Công đoàn thực sự hoàn thành sứ mệnh vì NLĐ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với 443 đại biểu tán thành, chiếm 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn lao cho hàng triệu người lao động trên cả nước. Đây là cơ hội để tổ chức Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đồng hành cùng người lao động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước… Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn |
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
(LĐO) Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 đã quy định ...
Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
(Chinhphu.vn) – Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực ...
Vai trò của cảng biển trong xung đột thương mại Mỹ-Trung
Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, vấn ...
5 Tổng công ty Cụm thi đua số 3 UBQLVNN đều đạt thành tích xuất sắc về kinh doanh và đổi mới quản trị
Ngày 11/12, tại trụ sở Tổng công ty Đường ...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
Đây là đánh giá của Phó thủ tướng Chính ...
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “nóng” về siêu cảng quốc tế Cần Giờ
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “nóng” về siêu ...
Luật Công đoàn (sửa đổi): Luật của thời kỳ hội nhập sâu rộng và kỷ nguyên vươn mình
(Tạp chí LĐ&CĐ) Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa ...
Gã khổng lồ vận tải Maersk ra mắt tàu chạy bằng nhiên liệu ‘methanol kép’ giúp giảm 280 tấn CO2/ngày
Maersk vừa ra mắt tàu methanol hai nhiên liệu ...